Trăm năm trước thì ta chưa gặp. Trăm năm sau biết có gặp nhau. Cuộc đời sắc sắc không không. Thì thôi hãy sống thật lòng với nhau.

7/7/14

ĐỜI NGƯỜI -Thượng tọa THÍCH CHÂN TÍNH

Chúng ta hiện diện trong cõi đời này không biết từ đâu đến và tương lai cũng không biết sẽ đi về đâu. Có một điều xác thực là chúng ta đang có mặt trên cuộc đời này. Sự có mặt của chúng ta không phải từ trên trời rơi xuống hoặc dưới đất chui lên, mà do cha mẹ sinh thành và dưỡng dục. Cuộc đời mỗi người đều trải qua nhiều giai đoạn, nhiều lứa tuổi khác nhau và không ai thoát ra khỏi quy luật sinh - lão - bệnh - tử. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ sinh đến tử ấy có rất nhiều vấn đề đáng phải suy ngẫm. Ở đây chúng ta sẽ cùng nhau suy nghiệm về “Đời người”.

1/Cuộc sống và những nhu cầu: 


Khi đã có thân này, chúng ta có những nhu cầu về ăn, mặc, ở, hít thở, đi lại, giao tiếp… trong đó có những nhu cầu không thể thiếu, nếu thiếu nó con người không thể sống được và có những nhu cầu mà không có cũng không ảnh hưởng gì nhiều, chỉ là do chúng ta bày vẽ ra thêm.
      Trước hết là nói về vấn đề ăn. Khi có thân chúng ta phải ăn mới có thể sống được, ăn để sống. Tất cả những loài vật có mặt trên thế gian này, thiên nhiên đã ban tặng cho chúng những thức ăn sẵn có. Chẳng hạn như con bò, con trâu, con dê có sẵn cỏ cho chúng ăn; khỉ,vượn có trái cây; các loại thú ăn thịt thì thú lớn ăn thú nhỏ, cá lớn nuốt cá bé. Còn đối với con người, thiên nhiên đã ban tặng cho hoa quả để sống. Nhưng nhờ sự thông minh mà con người đã chế biến ra rất nhiều thức ăn. Để thoả mãn khẩu vị, con người đã bày ra đủ các loại thức ăn khoái khẩu. Vì vậy, dần dần con người hình thành thói quen ăn thịt động vật. Và cũng từ đây, chúng ta đã tạo ra rất nhiều nghiệp sát sinh. Bây giờ chúng ta muốn đi ngược lại cũng rất khó. Có nhiều người nói rằng, từ nhỏ tôi đã ăn những thức ăn như vậy, bây giờ bảo tôi ăn thực vật, hoa quả tôi không ăn được. Sự thật là từ khi con người có mặt trên cuộc đời này, đã được thiên nhiên ban tặng cho những thức ăn để sống, giờ thì chúng ta lại sống để mà ăn.
      Thứ hai là mặc. Ở thời sơ khai con người cũng giống như bao nhiêu loài vật khác, cũng có sức đề kháng của cơ thể đối với thiên nhiên. Lúc đó con người không có quần áo để mặc, nhưng vẫn chịu đựng được sự khắc nghiệt của thời tiết. Như con bò, con chim, con cá… chúng đều có khả năng để thích ứng với khí hậu. Vì khi chúng được sinh ra trên cuộc đời này đã có sức đề kháng đối với thiên nhiên. Con người, nhờ sự thông minh đã chế tạo ra vải để che thân, dần về sau chế tạo ra quần áo không chỉ dùng để che thân mà còn để làm đẹp. Cũng vì làm đẹp mà chúng ta giết những con thú như cừu, cá sấu để lấy lông, lấy da làm y phục. Mặc là điều cần thiết cho cơ thể, nhưng nếu chúng ta lạm dụng sẽ dẫn đến tạo nghiệp sát sinh.
      Vấn đề thứ ba là ở. Thời nguyên thủy con người sinh ra sống ở núi, rừng, hang hốc. Nhưng nhờ sự thông minh con người đã sáng tạo ra nhà cửa, lều trại để ở. Từ khi có nhà cửa rồi lại phát sinh ra nhiều vấn đề phức tạp, tranh chấp đất đai, nhà ở. Từ đó dẫn đến những việc thương tâm, cha con kiện cáo nhau, thậm chí chém giết nhau cũng vì miếng đất, căn nhà.
      Bệnh tật là một vấn đề mà bản thân con người không thể nào tránh khỏi. Đức Phật dạy chúng ta có thân tức có bệnh, cho nên con người ai cũng có bệnh, không nhiều thì ít, không nặng thì nhẹ. Đây là một sự thật, hay nói cách khác là một chân lý. Muốn hết bệnh phải dùng thuốc, muốn có thuốc phải có tiền. Đó chính là một nhu cầu trong cuộc sống của con người. Vào thời nguyên thủy, khi chưa có thuốc như bây giờ, con người dùng các loại lá cây để trị bệnh. Sự thông minh đã giúp con người phát triển ngành y và các loại thuốc được bào chế từ thực vật và cả động vật. Ngoài việc bào chế thuốc để chữa trị cho con người, chúng ta còn sát hại các loài vật để tăng cường, bồi bổ sức khỏe cho mình, nhằm đáp ứng nhu cầu sinh lý.
      Tất cả vấn đề trên đều là những nhu cầu trong cuộc sống của con người. Để đáp ứng được những nhu cầu đó chúng ta phải làm việc, phải có nghề nghiệp. Muốn có nghề nghiệp chúng ta phải đi học, phải học từ mẫu giáo lên tiểu học, trung học rồi đến đại học, sau đó ra trường và có nghề nghiệp làm ăn. Có những người đi theo con đường học vấn, nhưng cũng có những người không đủ khả năng học nên phải bươn chải rất nhiều, làm đủ các việc cực nhọc và vất vả để có tiền đáp ứng những nhu cầu ăn, mặc, ở… Cuộc sống cứ thế tiếp diễn và rồi chúng ta lại bắt đầu bước vào giai đoạn mới là tình yêu lứa đôi, hạnh phúc gia đình, nuôi dưỡng con cái. Đây là giai đoạn phức tạp nhất của đời người. Hạnh phúc có, đau khổ cũng có.

2/Tình yêu và trách nhiệm

 Tất cả những biến chuyển lớn trong cuộc đời của con người bắt đầu từ khi tình yêu nam nữ nảy nở. Cũng có thể chúng ta cho tình yêu đó là tốt đẹp, nhưng cũng có khi chính tình yêu lại dẫn đến những nỗi khổ rất lớn cho bản thân. Có người khổ ít, có người khổ cả đời. Bước vào giai đoạn tình yêu nam nữ là bước vào lãnh vực sóng gió nhất của con người trên cuộc đời này.
      Có một lần đi xe, tình cờ tôi nghe một bản nhạc do anh tài xế mở, trong đó có đoạn: “Không phải tại anh, cũng không phải tại em, tại trời xui khiến nên chúng mình thương nhau”. Khi nghe câu hát này tôi cảm thấy tội nghiệp cho ông trời. Làm gì có chuyện ông trời nào xui khiến chúng ta thương nhau! Theo quan điểm của đạo Phật thì đấy là quá trình của xúc, thọ, ái, thủ, hữu. Có nghĩa là do con mắt của chúng ta tiếp xúc với sắc, khi tiếp xúc như vậy thì sinh ra thọ, thấy cái gì mình thích gọi là lạc thọ, cái gì mình không thích hoặc buồn bực gọi là khổ thọ, còn khi nhìn một thứ gì đó mình không ưa cũng không ghét gọi là xả thọ. Khi mắt tiếp xúc với sắc đẹp phát sinh ra lạc thọ rồi thì ái đi theo. Thường người nam hay thích người nữ từ ánh mắt, cái miệng, khuôn mặt, vóc dáng... Còn người nữ thích người nam từ hình thể, danh lợi, tiền tài… Cổ nhân thường nói: “Trai tài, gái sắc”. Khi mắt chúng ta tiếp xúc với sắc đẹp thì phát sinh ra lạc thọ, rồi tiếp đến là ái và theo đó là thủ, tức là muốn chiếm lấy, muốn người kia là của mình, muốn chiếm người đó về mình. Thế nhưng “thương nhau lắm, cắn nhau đau”. Tiếp theo một đoạn khác của bài hát là: “Không phải tại anh, cũng không phải tại em, tại đời đen trắng nên chúng mình xa nhau”. Lại cũng đổ thừa nữa. Thương nhau đổ thừa cho ông trời, bây giờ xa nhau lại đổ thừa cho đời đen trắng. Thật ra, thương nhau cũng tự mình và bây giờ xa nhau cũng do mình. Không biết thương yêu, lắng nghe, tha thứ chúng ta sẽ không thể có hạnh phúc, không sống gần bên nhau chứ không phải tại ông trời xui khiến mà thương, hay tại đời đen trắng mà xa nhau. Thương cũng do mình mà ghét cũng do mình, hạnh phúc cũng do mình mà khổ đau cũng do mình. Và một đoạn kế của bài hát: “Tình yêu như hoa nở đẹp xinh khi xuân đến em ơi, làm thân hoa cho người ta hái, hè sang sắc thắm hoa dần tàn, thu đến nghẹn ngào rồi heo may kéo sang mùa đông, làm hoa kia chết trong lạnh lùng”. Bài hát này tôi đã nghe cách đây hơn 40 năm, hôm đó tự nhiên vừa nghe qua thì nhớ lại. Có lẽ do bài hát đó đã được lưu vào trong tàng thức nên không mất, đợi có cơ hội thì nó hiện ra. Theo Duy thức học, những gì đã được lưu giữ trong tàng thức sẽ không mất, khi đủ duyên sẽ hiện ra. Cho nên, đức Phật khuyên chúng ta cố gắng nhớ Phật, nghĩ điều lành, học những bài Pháp lành để đưa những hạt giống đó vào trong tàng thức của mình, đến khi nào cần, đủ duyên nó sẽ hiện ra. Chẳng hạn như những người tu theo pháp môn Tịnh độ, họ thường niệm Phật, gieo hạt giống niệm Phật vào trong tàng thức, đến khi lâm chung, nhờ thiện tri thức khai thị, hộ niệm mà họ có thể nhớ đến Phật, câu Phật hiệu hiện ra trong tâm trí và hình ảnh đức Phật có thể hiện ra.
      Quay lại câu hát vừa rồi: “Tình yêu như hoa nở đẹp xinh khi xuân đến em ơi, làm thân hoa cho người ta hái, hè sang sắc thắm hoa dần tàn, thu đến nghẹn ngào rồi heo may kéo sang mùa đông, làm hoa kia chết trong lạnh lùng”. Tình yêu nam nữ cũng đẹp như hoa nở mùa xuân, nhưng đến khi sang mùa hạ thì hoa dần tàn, mùa thu hoa dần héo và sang đông hoa sẽ lụi tàn. Lúc đó thì: “Còn duyên kẻ đón người đưa, hết duyên đi sớm về trưa một mình”.
      Khi chúng ta đã bước vào giai đoạn sóng gió nhất của đời người, tức là bước vào cuộc sống vợ chồng thì nhu cầu ăn, mặc, ở… sẽ tăng lên. Lúc đầu chỉ có một mình, bây giờ có hai người. Một thời gian sau lại có thêm một người và nhu cầu lại tăng thêm. Nếu tăng lên thành bốn người nhu cầu lại tăng thêm nữa. Nhu cầu tăng thêm, chúng ta sẽ phải làm việc nhiều, phải suy nghĩ, tính toán, đấu tranh, làm mọi việc, tìm mọi cách để kiếm tiền, nhằm đáp ứng nhu cầu ăn, mặc, ở, cho mình và cho gia đình. Nếu chúng ta là người biết học Phật, sống có đạo đức thì việc làm sẽ bớt đi những điều tội lỗi. Ngược lại, chúng ta sẽ bị rơi vào con đường tà mạng, tức là làm những nghề không chân chánh, chẳng hạn như có thể làm nghề đồ tể, buôn bán hàng quốc cấm hoặc làm những nghề bất chính, lừa đảo, trộm cắp… Lúc này người ta có nhiều lý do để lao đầu vào làm các công việc nhằm kiếm nhiều tiền để xây nhà, mua xe, sắm các phương tiện vật chất... Bất kể ngày tháng, bất kể đó là việc tốt hay xấu, việc chính đáng hay không chính đáng, miễn là có tiền.
      Dù chúng ta cố gắng kiếm tiền bằng những việc làm chính đáng thì cũng nên xét lại, bởi vì trong cuộc sống này không phải có nhiều tiền mới là hạnh phúc. Hạnh phúc không phải do chúng ta kiếm được nhiều tiền mà có. Trên thực tế, rất nhiều gia đình tiền rừng bạc biển nhưng lại không được hạnh phúc. Người nghèo có nỗi khổ của người nghèo, người giàu có nỗi khổ của người giàu. Chúng ta đừng nghĩ có tiền sẽ không khổ. Hễ có thân là có khổ. Đôi khi có nhiều tiền lại khiến chúng ta khổ hơn. Người nghèo khổ vì thiếu tiền, người giàu khổ vì thiếu tình cảm. Có khi chúng ta lao đầu vào công việc làm ăn mà quên đi bổn phận thiêng liêng của người vợ, người chồng, người cha, người mẹ, người con…. Và một ngày nào đó chúng ta không thiếu tiền, nhưng tình cảm thì lại mất hết. Chồng đi theo người tình, vợ đi theo trai, con cái hư hỏng, thế là cuộc đời không còn ý nghĩa gì hết. Cho nên, chúng ta phải biết dừng lại để có thể cân đối cuộc sống.
      Có một anh chàng nọ cầu xin vị thần ban cho mình được giàu có. Anh khẩn thiết van xin, ngày nào cũng cầu nguyện. Một hôm vị thần đó xuất hiện và nói rằng: “Được rồi! Hôm nay ta sẽ ban phước cho nhà ngươi. Kể từ giờ này ngươi đi tới đâu là phần đất đó thuộc về của ngươi, cho đến khi mặt trời lặn”. Nghe vậy anh ta mừng quá và bắt đầu chạy thật nhanh để đua với mặt trời. Anh chạy đến nỗi mệt không dám nghỉ, đói không dám ăn và khát không dám uống. Vì anh nghĩ rằng tấc đất là tấc vàng, nên phải tranh thủ chạy cho đến khi mặt trời lặn mới thôi. Lúc mặt trời dần khuất, còn bao nhiêu hơi sức anh dồn hết để chạy đua với mặt trời. Khi mặt trời vừa tắt thì anh cũng tàn hơi. Cuối cùng anh cũng chỉ có được ba thước đất để chôn xác mà thôi!
      Đây là một câu chuyện rất hay để nhắc nhở chúng ta phải biết dừng lại. Nếu chúng ta sống như anh chàng này thì cũng chỉ có ba thước đất mà thôi. Chúng ta sống để làm gì? Chẳng lẽ chúng ta cũng chạy đua như thế? Muốn làm bá chủ thế giới này ư? Không! Chúng ta cần phải có những thời gian sống cho mình và người thân của mình. Trong cuộc sống phải biết cân đối việc làm và sự hưởng thụ. Trong khi làm việc, nếu cảm thấy căng thẳng quý vị nên buông hết đi, và chọn lấy cho mình một phương pháp để cân bằng lại sức khỏe và tinh thần. Chúng ta có thể thực tập hơi thở có chánh niệm ngay trên bàn làm việc của mình. Chúng ta ngồi thật thoải mái, giữ lưng cho thẳng và hít hơi vào đầy bụng cho đến khi không hít vào được nữa, rồi mới thở ra chậm rãi và nhẹ nhàng. Khi đó tâm mình tập trung vào hơi thở và tạo cho thân thể một năng lượng. Chúng ta hít vào một hơi thở như thế và cố gắng đến lúc không còn hít được nữa, rồi sau đó thở ra. Khi thở ra, cũng thở cho đến lúc không còn thở ra được nữa sẽ ngưng nghỉ. Nên nhớ hít vào phình bụng ra, thở ra hót bụng vào. Thực hiện một vòng như vậy ta sẽ bắt đầu thấy cơ thể có những biến chuyển, lúc đó trạng thái tinh thần và sức khỏe tốt hơn. Nếu một ngày chúng ta có thể thực hành vài lần sẽ có lợi cho thân tâm. Chúng ta nên có thời gian dành cho mình những phút giây như vậy, đó là điều rất cần thiết trong cuộc sống, đừng nên như anh chàng tham đất kia, cứ chạy mãi cuối cùng cũng chỉ có ba thước đất mà thôi. Chúng ta cần phải biết buông xả để được sống an lạc. Chúng ta sống để làm gì? Mình phải đặt ra câu hỏi đó và tự trả lời cho chính mình. Chúng ta sống không chỉ để có thật nhiều tài sản, thật nhiều đất với tham vọng làm bá chủ thế giới, mà sống để có được những giây phút thanh tịnh, an lạc và luôn sống trong an lạc, hạnh phúc mới là điều cần, điều quý nhất trên cuộc đời này.

3/ Biết cân bằng cuộc sống :

Sức khỏe là tài sản lớn nhất của con người. Nếu không có sức khỏe thì dù có tiền rừng bạc biển cũng không có hạnh phúc. Sức khỏe là quan trọng. Chúng ta lao đầu vào làm việc để kiếm tiền. Rồi một ngày nào đó chúng ta lại đem tiền đi mua sức khỏe. Do vậy, trong cuộc sống phải cố gắng cân bằng việc làm và sức khỏe của mình. Có sức khỏe là chúng ta có tất cả. Đôi khi chúng ta cứ đổ lỗi cho công việc, vì nhiều việc quá nên luôn bận bịu. Chúng ta cần phải có thời gian cho chính mình, thời gian để rèn luyện cơ thể và giữ gìn sức khỏe. Có được sức khỏe mới làm được mọi việc. Không có sức khỏe không làm được việc gì cả.
      Khi có gia đình và bước sang giai đoạn có con, tức là khi đó ta đã làm cha, làm mẹ thì cần phải bớt đi những vị kỷ để lo cho tương lai của con cái. Lúc này chúng ta phải sống vì con chứ không nên chỉ biết vì mình. Sống vì con là sống như thế nào? Ngoài việc lo về vật chất, lo cho tương lai, sự nghiệp của con chúng ta còn phải là những tấm gương đức hạnh cho con cái noi theo. Cha mẹ phải sống có đạo đức. Đạo đức đó là gì? Chính là 5 giới mà đức Phật dạy cho chúng ta, gồm có: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không dùng các chất kích thích, gây nghiện như rượu, thuốc phiện. Đây là năm nguyên tắc đạo đức căn bản làm người. Nếu muốn con của mình tương lai trở thành những người tốt thì bản thân cha mẹ phải tốt. Giống có tốt, lúa mới tốt. Cho nên, cha mẹ phải quên mình, phải biết hy sinh và làm gương tốt cho con cái của mình. Người cha uống rượu không thể dạy con đừng uống rượu, người cha cờ bạc không thể dạy con đừng cờ bạc. Năm giới này là nền tảng của đạo đức, là gốc của mọi hạnh lành và cũng là cái nhân để chúng ta được giải thoát. Trong đạo Phật dù chúng ta có tu pháp môn nào đi chăng nữa cũng phải lấy giới, định, tuệ làm nền tảng. Muốn có được tuệ phải có giới, vì có giới mới có định, có định mới có tuệ. Thí dụ: Khi chúng ta nhìn một vật gì tốt đẹp, lúc đó tâm bắt đầu khởi lên ý niệm ham muốn, khi lòng ham muốn đã phát triển tâm sẽ loạn, khi tâm đã loạn sẽ không còn sáng suốt để nhìn nhận vấn đề, cho nên dễ dẫn đến những hành động sai lầm. Chẳng hạn như khi nhìn một cô gái xinh đẹp, mình liền phát sinh tình cảm, nếu không có giới sẽ không biết dừng lại. Nếu có giới sẽ tự nhắc nhở: “Không được! Mình đã có vợ rồi không nên có ý nghĩ ham muốn như vậy”. Đó là giới. Và khi có giới tâm của chúng ta bắt đầu bình ổn (định), khi có định tâm sẽ sáng suốt để giải quyết vấn đề một cách tốt nhất. Còn nếu khi nhìn thấy sắc đẹp tâm chúng ta dao động và sự động tâm ấy sẽ dẫn ta ngày một đi xa, vì ta không có giới để ngăn lại. Giống như giọt dầu khi rơi xuống nước, nếu vớt lên liền thì rất dễ, để chậm trễ nó sẽ lan ra. Cũng như thế, nếu chúng ta có giới và định thì những tai họa sẽ không xảy ra.
      Hoặc giả có ai đó nói một câu không được êm tai, chúng ta liền nổi giận, tức là không làm chủ được cảm xúc của mình. Nếu lúc đó chúng ta biết giữ giới, biết cách ngăn cơn giận mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Ngược lại, nếu chúng ta không ngăn được cơn giận tâm sẽ loạn, mà tâm đã loạn thì không còn kiểm soát được lời nói và hành động, dẫn đến gây đau khổ cho mình và người.
      Căn bản của người học Phật là năm giới (cả người tại gia và xuất gia). Nếu ai giữ được năm giới người đó có đạo đức, sẽ là người thầy, người cha, người mẹ và người con tốt. Ngược lại, nếu không giữ được năm giới cũng không xứng đáng là người thầy, người cha, người mẹ hoặc người con tốt. Nhất là những người làm cha, làm mẹ cần phải giữ được năm giới này. Muốn con tốt trước tiên tự cha, mẹ phải gương mẫu. Thông thường ai cũng có tâm niệm mong con của mình tốt, học giỏi, ngoan hiền nhưng đa phần chúng ta chỉ muốn như thế mà không biết phải làm cách nào để tạo ra những đứa con tốt.

4/Luôn chăm sóc và giáo dục con cái:

Theo kinh Phổ Môn, người mẹ muốn sinh con tốt, khi mang thai nên niệm đức Quan Thế Âm Bồ-tát, đó là cách chúng ta gieo tư tưởng tốt lành vào trong tâm thức đứa bé. Khoa học cũng đã chứng minh sự ảnh hưởng từ tư tưởng của người mẹ đến đứa con khi còn trong bào thai. Nếu người mẹ có ý nghĩ xấu, có những sự buồn phiền, đau khổ sẽ ảnh hưởng không tốt đến đứa con. Nếu một người mẹ luôn có suy nghĩ tốt, có tâm từ bi, sống an vui, yêu thương thì đứa con sẽ được phát triển tốt hơn.
      Trong đạo Lão có nói đến thai giáo, nghĩa là dạy con từ khi còntrong bụng mẹ chứ không phải khi sinh ra mới bắt đầu. Nếu ngay từ khi đứa con còn trong bào thai, người mẹ chăm sóc kỹ lưỡng, khi ra đời nó sẽ trở thành một đứa con ngoan hiền, thông minh, có hiếu.
      Đôi lúc chúng ta thường than vãn: “Tại sao con của tôi lại hư đốn, ngỗ nghịch, bất hiếu?”. Đó chính là do hạt giống không tốt. Điều này chúng ta có thể chứng minh được. Ví dụ: Khi muốn trồng lúa chúng ta phải chọn những hạt giống tốt, sau đó phải cày bừa cho thửa ruộng tơi xốp, cho đất tốt lên rồi mới gieo hạt, tưới nước, bón phân và chăm sóc, chắc chắn lúa sẽ tốt. Cha là hạt giống, mẹ là thửa ruộng. Sự chăm sóc của mẹ khi mang thai cũng như việc ta tưới nước, bón phân vậy. Nếu giống tốt, chăm sóc tốt thì lúa sẽ tốt. Cha tốt, mẹ tốt, chăm sóc tốt thì con sẽ tốt. Nhân quả rõ ràng!
      Do vậy, tất cả chúng ta, khi bước vào giai đoạn làm cha, làm mẹ cần phải cố gắng sống đạo đức, sống gương mẫu vì con cái của mình

5/ Siêng năng tu tập và tạo phước lành:

Khi qua giai đoạn làm cha mẹ, chúng ta bắt đầu bước vào giai đoạn làm ông bà. Trải qua một thời gian dài thăng trầm trên cuộc đời này, cuối cùng chúng ta cũng theo quy luật sinh - lão - bệnh - tử, thế là xong một kiếp người. Đấy là diễn tiến của một đời người. Từ khi sinh ra, sống thì chúng ta cần ăn, mặc, ở; lớn lên làm vợ, làm chồng, làm cha, làm mẹ, làm ông, làm bà rồi đến lúc nhắm mắt ra đi. Khi đó nhìn vào bia mộ cũng chỉ là mấy hàng chữ thôi. Đời người chỉ ngắn gọn trong hai chữ sinh - tử, nhưng khoảng cách giữa hai con chữ ấy lại có đủ những rắc rối nảy sinh. Biết bao sự phiền phức, mừng, giận, vui, buồn, thương, ghét, muốn. Có người làm tròn bổn phận, trách nhiệm của người ông, người bà, người cha, người mẹ, người chồng, người vợ, người con … nhưng cũng có những người không làm tròn. Có người sống để gây khổ cho cha, cho mẹ, cho chồng, cho vợ, cho con… Nếu chúng ta biết Phật pháp, sống có đạo đức sẽ làm những việc có lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Ngược lại, có thể chúng ta sẽ làm khổ cho mình và người. Đến khi từ giã cõi đời này chúng ta để lại những gì? Nhà thơ Văn Thiên Tường đã viết:
“Nhân sinh tự cổ thùy vô tử
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh”,
(Xưa nay hỏi có ai không chết?
Hãy để lòng son chiếu sử xanh)
      “Cọp chết để da, người chết để tiếng”. Chúng ta không có hy vọng khi chết để lại tiếng thơm cho đất nước, cho nhân loại. Điều đó có lẽ vượt quá khả năng của mình. Điều mà chúng ta có thể làm được là sống mẫu mực, đạo đức, sống có ích lợi cho mình và người, để khi những người thân còn sống mỗi lần nói đến tên ta họ cảm thấy tự hào, họ tự hào về người cha, người mẹ, người ông, người bà của mình. Đừng để khi chúng ta ra đi, mỗi lần nhắc đến tên mình con cháu lại tủi hổ. Như vậy, cũng xứng đáng lắm rồi!
     Trong cuộc sống, việc tạo ra của cải là cần thiết, nhưng chúng ta cũng phải biết quan tâm, chia sẻ với người khác. Đức Phật dạy, vòng luân hồi sinh tử của chúng sinh không phải chỉ một đời này là chấm hết. Chúng ta chỉ chấm hết cái thân ngũ uẩn, còn nghiệp thức vẫn tiếp diễn trong vòng luân hồi sinh tử. Vậy điều gì giúp chúng ta trong vòng luân hồi sinh tử được tốt đẹp? Đó chính là bố thí. Bố thí là một phương tiện rất cần thiết để giữ được tài sản và tạo phước báu cho mình đời này và đời sau. Khi chúng ta sinh ra trong cuộc đời này chỉ hai bàn tay trắng và lúc ra đi cũng lại trắng tay. Như một nhà thơ đã nói:
Chúng ta cùng đội chung trời,
Nước mắt cùng mặn, khóc cười như nhau,
Máu đào xương trắng một màu
Cảnh buồn ai cũng đeo sầu như ai.
Vào đời cũng khóc chào đời
Ra đi cũng trút làn hơi cuối cùng,
Vào đời cũng cặp tay không
Ra đi lại cũng thả thòng đôi tay.
Những chi của thế gian này
Mấy ai nắm được trong tay chút nào?
........
      Chính bố thí là cách chúng ta giữ tài sản tốt nhất. Khi từ giã cõi đời này chúng ta không mang theo được gì ngoài tội và phước. Bố thí giống như cách mình gởi ngân hàng vậy. Gởi vào ngân hàng nhân quả là bảo đảm nhất và không bao giờ mất. Không bố thí thì khi chúng ta nhắm mắt sẽ chẳng đem theo tài sản gì. Do vậy, pháp bố thí này đức Phật thường khuyến khích người Phật tử nên làm. Đấy là cách tạo nhân lành để đời này và đời sau được hưởng quả phúc. Người ta sinh ra nơi đời hơn nhau ở chỗ đã từng bố thí trong quá khứ. Người biết bố thí khi tái sinh làm người được hưởng phước báo giàu sang hơn, cuộc sống đầy đủ hơn. Thực tế cho thấy, có những người làm việc cực khổ mãi mà rốt cuộc cũng hai bàn tay trắng, nhưng cũng có những người làm tới đâu gặp may tới đó, lên như diều gặp gió. Đây chính là phước báo của họ có được từ những kiếp trước. Bố thí cũng là cách mà chúng ta chia sẻ tình thương yêu đến với mọi người. Sống phải biết chia sẻ, thương yêu đồng loại với nhau.
      Thái tử Tất-đạt-đa sau khi nhận chân được thế gian vô thường và tất cả đều là hư huyễn, giả tạm, Ngài đã từ bỏ sự nghiệp vật chất để đi tìm sự nghiệp trí tuệ. Và chính sự nghiệp trí tuệ đó vẫn tồn tại cho đến ngày hôm nay. Chúng ta thấy rằng, Thái tử Tất-đạt-đa, một người thông minh, siêu việt, Ngài dám từ bỏ tất cả nhưng lại được tất cả. Còn chúng ta cố nắm lấy tất cả rốt cuộc lại mất tất cả. Chúng ta phải suy xét lại mục đích sống của mình và xem sau khi từ giã cõi đời này sẽ để lại những gì. Chúng ta không có tham vọng để lại điều gì lớn lao cho đời, cho nhân loại, chỉ cần sống đúng với năm giới, sống có đạo đức, làm một người tốt, như thế là đã rất quý rồi. Nếu làm được nhiều hơn nữa thì càng đáng quý và hạnh phúc cho mình và cho nhiều người.
      Chấm dứt cuộc sống ở đây, chúng ta lại tiếp tục một cuộc sống mới, nó tùy thuộc vào cuộc sống hiện tại. Nếu đời sống hiện tại của chúng ta tốt đẹp thì đời sống tương lai cũng sẽ tốt đẹp hơn. Nếu đời sống hiện tại của chúng ta không tốt thì đời sống tương lai cũng sẽ không tốt. Đây là luật nhân quả! Cho nên, nếu chúng ta biết tu tập, sống với năm nguyên tắc đạo đức mà đức Phật đã dạy, có nghĩa là chúng ta sống tốt thì hiện đời có an lạc, hạnh phúc và trong tương lai cũng sẽ có được an lạc, hạnh phúc. Ngược lại, chúng ta sẽ rơi vào đau khổ kể cả đời này và đời sau. Chỉ có đức Phật, những vị A-la-hán, những vị làm chủ sinh tử mới không trôi lăn trong vòng luân hồi, còn tất cả chúng ta đều theo nghiệp mà đi và không thể nào vượt ra khỏi sáu cảnh giới: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, a-tu-la, người và trời.
      Chết không phải là hết, đó chỉ là một sự thay đổi về vật chất, hình thể. Do vậy, chúng ta phải luôn có sự chuẩn bị cho tương lai của mình. Bởi ngày hôm nay chúng ta không biết chuẩn bị tạo tư lương cho mình, khi ra đi không biết lấy gì đem theo. Thứ mà chúng ta có thể đem theo đó là đạo đức, là sự bố thí, tu tập. Trong kinh Tăng Chi Bộ 2, đức Phật dạy rất rõ: “Có năm sự kiện này, này các Tỳ kheo, cần phải thường xuyên quán sát bởi người nam hay người nữ, bởi người tại gia hay xuất gia. Thế nào là năm? Thứ nhất, ta phải bị già, không thoát khỏi già. Thứ hai, ta phải bị bệnh, không thoát khỏi bệnh. Thứ ba, ta phải bị chết, không thoát khỏi chết. Thứ tư, tất cả pháp khả ái, khả ý đối với ta sẽ phải đổi khác, sẽ phải biến diệt. Thứ năm, ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, là quyến thuộc, là điểm tựa. Phàm nghiệp nào ta sẽ làm, thiện hay ác ta sẽ thừa tự nghiệp ấy”.Đây chính là năm điều mà chúng ta phải thường xuyên nghĩ đến. Ta phải già, phải bệnh, phải chết, đây là sự thật. Tất cả các pháp khả ái, khả ý đối với ta đều sẽ thay đổi, biến diệt, nghĩa là có hợp rồi cũng sẽ tan. Thân của mình do tứ đại tạo thành cũng có ngày trở về với cát bụi. Chúng ta sống ở đây có vợ, có chồng, anh em, bè bạn… rồi một ngày nào đó cũng phải chia tay. Cha mẹ mang nặng đẻ đau, nuôi con lớn khôn, ân tình sâu nặng, nhưng cũng sẽ có một ngày nào đó con phải đứng nhìn cha mẹ ra đi mà không thể giữ lại được. Vợ chồng, con cháu cũng thế, có hợp rồi một ngày nào đó phải tan. Sự thật thứ năm, ta là chủ nhân của nghiệp và là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là gì? Là những hành động do ta tạo ra từ thân, miệng, ý. Khi sống trên cuộc đời này, nếu chúng ta làm những nghiệp thiện khi chết những nghiệp này sẽ đưa mình đến cảnh giới tốt đẹp. Nếu chúng ta tạo ra nghiệp ác những nghiệp ác ấy sẽ đẩy mình vào cảnh giới đau khổ. Không có một vị thần thánh nào bắt chúng ta xuống địa ngục hay đưa lên thiên đàng cả. Chúng ta phải nhận lãnh những nghiệp quả do chính mình đã tạo ra. Ta là chủ nhân của nghiệp và thừa tự nghiệp. Hay nói cách khác, đấy là nhân quả của chính mình. Hiểu được như vậy cho nên ngoài việc mưu sinh, chúng ta phải biết tu tập để tạo tư lương cho mình ở hiện tại và tương tai. Người mê chỉ lo sự nghiệp đời này, người trí lo sự nghiệp cả đời này lẫn đời sau.
      Tất cả mọi người đều phải chết, vậy chết rồi sẽ đi đâu? Chắc chắn sẽ phải có đường đi. Nếu chúng ta biết tu sẽ đi đến ba thiện đạo: người, a-tu-la, trời. Còn nếu không biết tu đi đến ba ác đạo: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Khó có thể thoát khỏi sáu cảnh giới này. Trong vòng luân hồi sinh tử lục đạo, muốn thoát khỏi cảnh giới đau khổ chúng ta phải biết sống có đạo đức, giữ được năm giới, tạo cho mình nhiều nhân lành để được an lạc, hạnh phúc ở hiện tại và tích quả phước cho tương lai.
      Tu không nhất định phải đợi đến tương lai mới có kết quả, mà ngay trong đời này chúng ta phải đạt được cuộc sống an lạc, hạnh phúc. Điều quan trọng là chúng ta luôn cố gắng tìm hiểu nhiều hơn lời dạy của đức Phật. Vì có hiểu biết đúng mới suy nghĩ đúng, thực hành đúng đem lại kết quả tốt đẹp. Giáo lý của Phật chính là chân lý, là sự thật. Đôi khi chúng ta nghe Phật pháp có sự nghịch nhĩ, tức là nghe không xuôi tai, nhưng đó lại là sự thật. Sau khi thành tựu Phật quả, đức Phật nghĩ rằng, giáo pháp mà mình chứng ngộ cao siêu, đi ngược lại dòng đời, liệu có ai chịu nghe, có ai hiểu được hay không? Nghĩ vậy nên ngài định nhập Niết-bàn, không đi truyền bá chánh pháp vì sợ không ai có thể nghe, hiểu được. Chúng sinh thì xuôi theo dòng đời, tham mê ngũ dục, bây giờ Ngài nói thế gian vô thường, thân người là khổ, thì sẽ không ai chịu nghe. Sau đó, Ngài nhớ đến hình ảnh một hồ sen, trong hồ có rất nhiều sen, có những nụ sen còn chìm ở dưới nước, có những nụ sen đã ngoi lên mặt nước, có những bông sen đã nở trên mặt nước. Rồi Ngài nghĩ, chúng sinh cũng có nhiều căn cơ, trình độ như thế. Một số người có thể tiếp nhận giáo lý của Ngài và cũng có những người không thể tiếp nhận. Từ đó Ngài quyết định đi hoằng truyền Chánh pháp. Đức Phật nhìn thấy được sự thật của cuộc đời, Ngài chỉ cho chúng ta thấy, nhưng mình lại không muốn nghe sự thật đó. Trong giáo lý Tứ diệu đế đức Phật đã chỉ ra sự thật khổ đau của nhân sinh, các nguyên nhân của khổ đau, sự diệt khổ và con đường chấm dứt khổ đau, đem đến an lạc, hạnh phúc. Cũng như vị bác sĩ, muốn chữa bệnh phải nắm được nguyên nhân dẫn đến bệnh, sau đó tùy bệnh cho thuốc. Chúng ta học Phật là học cách nhìn vào sự thật và chấp nhận sự thật đó để vượt ra khỏi những khổ đau của cuộc đời này. Mỗi người là một con thuyền trên biển đời, phải chấp nhận gió to sóng lớn để chèo lái vào bờ.

6/Lời kết:

Doanh nhân là những người bận rộn với công việc, nhưng chúng ta phải nên dành thời 
gian cho chính mình và tạo ra được những công đức, phước báu cho mình. Khi chết

chúng ta không thể mang theo vật chất, nhưng bao nhiêu tội lỗi và phước báu đều sẽ đi 
theo ta. Đó là nghiệp. Chúng ta thử nghĩ xem từ khi bé đến lớn ta đã tạo ra bao nhiêu 
nghiệp ác? Nếu đọc kinh Lương Hoàng Sám thì những lỗi lầm ta đã gây ra mà không
biết, như: hoặc tự mình làm, hoặc bảo người làm, hoặc thấy người làm mình vui mừng 
theo thì nhiều vô số kể. Chúng ta thấy người tạo ác mà vui theo cũng có tội, vì điều ác
đó tuy không xuất phát từ cái thân mà chính do từ trong tâm, ý mà ra. Nếu lấy tất cả cây
trên thế gian này đem ra làm bút và lấy hết nước trong bốn biển làm mực cũng không chép
hết tội nghiệp của chúng sinh đã gây ra trong vòng luân hồi sinh tử bao đời kiếp. Được 
làm người đã là một phước duyên lớn. Đức Phật dạy, sinh ra làm người là khó, làm người
được đầy đủ lục căn càng khó, người được đầy đủ trong cuộc sống, ăn no, mặc ấm lại 
càng khó hơn. Đó cũng là phước báo, không phải ai cũng có được. Hơn nữa, được biết
đến Phật pháp, được nghe và thực hành lời Phật dạy là chúng ta đã có căn lành, phước 
báo từ nhiều đời. Nếu không có căn duyên chúng ta sẽ không đến được với Phật pháp. 
Thay vì cầm trên tay quyển sách Phật pháp, chúng ta có thể cầm trên tay một bộ bài. 
Thay vì ngồi trong đạo tràng nghe giảng Pháp, chúng ta có thể ngồi trong sòng bạc, đi 
đến những tụ điểm ăn chơi… Thế mà hôm nay chúng ta đã biết đi chùa, biết kính Phật 
trọng Tăng, biết tu học Phật pháp, chứng tỏ chúng ta là những người muốn hướng thiện,
đã có căn lành và phước báo nhiều đời. Mong rằng chúng ta sẽ phát huy căn lành ấy và 
đi được đến bờ giác ngộ và giải thoát.
Người chép lại từ bài giảng-Cát Tường
ĐỜI NGƯỜI THÍCH CHÂN TÍNH   Chịu tránh nhiệm xuất bản Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Thanh Hương Biên Tập: Nguyễn Cẩm Hồng Sửa bản in: Hồng Anh Bìa & Trình bày: Đông Thịnh   NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NHÀ SÁCH TỔNG HỢP 62 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1 ĐT: 38225340 - 38296764 - 38247225 Fax: 84.8.38222726 Email: tonghop@nxbhcm.com.vn Website: www.nxbhcm.com.vn / www.sachweb.vn   Thực hiện liên kết: Chùa Hoằng Pháp

No comments:

Post a Comment